Tại kì họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 đã thông qua 10 Luật, trong đó có Luật Đầu tư 2020 được thay thế cho Luật Đầu tư 2014 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Kế thừa Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 đã có một số sửa đổi, bổ sung mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay của nước ta. Công ty luật Việt An tổng hợp một số điểm mới của Luật Đầu tư năm 2020 cụ thể như sau:
Mục lục
Các điểm mới về phần chung của Luật Đầu tư 2020
Về các khái niệm mới, bổ sung, loại bỏ tại Luật Đầu tư năm 2020 như sau
Thêm một số khái niệm
- Chấp thuận chủ trương đầu tư;
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư;
- Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;
- Điều kiện đầu tư kinh doanh;
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài;
- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Bỏ khái niệm
Hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư
Sửa khái niệm
Theo khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 thì vốn đầu tư là “tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.
Nhưng theo khoản 23 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì vốn đầu tư đã được nói rõ là “tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.
Vấn đề về chính sách và hoạt động đầu tư kinh doanh
Chính sách đầu tư kinh doanh
Luật Đầu tư kinh doanh 2020 tại Điều 5 đã bổ sung thêm khoản 3 về việc đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh đối với các nhà đầu tư có hoạt động đầu tư kinh doanh gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm
So với Luật Đầu tư 2014 thì Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung một số hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm như:
- Bào thai người;
- Kinh doanh pháo nổ;
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm
Theo bảng phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014 thì các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có tất cả là 267 ngành, nghề. Tuy nhiên, khi có sự sửa đổi ở Luật Đầu tư 2020 thì phụ lục IV về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2020 đã giảm xuống còn 227 ngành, nghề.
Các điểm mới về dự án đầu tư của Luật Đầu tư 2020
Các dự án đầu tư
Lựa chọn nhà đầu tư đầu tư thực hiện dự án
Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm quy định về việc lựa chọn nhà đầu tư cho việc thực hiện dự án đầu tư cụ thể tại Điều 29 Luật Đầu tư 2020.
Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
- Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
- Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020.
Nơi nộp dự án đầu tư
- Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội:
- Luật Đầu tư 2014 thì nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư;
- Luật Đầu tư 20202 thì nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ:
- Luật Đầu tư 2014 thì nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư;
- Luật Đầu tư 20202 thì nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
Nhà đầu tư phải kí quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:
- Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
- Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
- Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư
Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
- Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật này;
- Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
- Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ưu đãi đầu tư
Hình thức ưu đãi đầu tư
- Hình thức được ưu đãi đầu tư thì Luật Đầu tư 2020
Thêm được 01 điểm mới:
“Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế”.
- Đối tượng được áp dụng ưu đãi đầu tư, theo Luật Đầu tư 2020
Đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư gồm:
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020;
- Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đầu tư 2020;
- Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngành, nghề ưu đãi đầu tư
Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020 có bổ sung thêm nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư gồm:
- Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
- Sản xuất các sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
- Giáo dục đại học;
- Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế;
- Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Vấn đề về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt
Việc áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt sẽ khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội do Chính phủ quyết định.
Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt được áp dụng với các đối tượng sau
- Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt
- Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai;
- Hỗ trợ đầu tư đặc biệt được thực hiện theo các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Đầu tư 2020.
Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trên không áp dụng đối với các đối tượng sau
- Dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
- Dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật Đầu tư 2020.
Trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt
Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư 2020 và các luật khác.
Các điểm mới về đầu tư kinh doanh có yếu tố nước ngoài
Ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài
Ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài
Quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư 2020 như sau:
- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư 2020 và các điều ước quốc tế có liên quan;
- Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.
Ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện
Quy định tại Điều 54 Luật Đầu tư 2020 như sau:
- Ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện bao gồm:
- Ngân hàng;
- Bảo hiểm;
- Chứng khoán;
- Báo chí, phát thanh, truyền hình;
- Kinh doanh bất động sản.
- Điều kiện đầu tư ra nước ngoài trong ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Đầu tư 2020, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nhà đầu tư nước ngoài
Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm một quy định vào phần “Những quy định chung” về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài với nội dung được quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020.
Nhìn chung các nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với các nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, sẽ chia ra thành các trường hợp để căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Chính phủ sẽ tiến hành công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài dựa trên hai trường hợp mà Luật Đầu tư 2020 đã quy định tại khoản 2 Điều 9.
Như vậy, nhìn chung Chính phủ sẽ sớm ban hành Danh mục các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều kiện thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài
Theo quy định của Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng được các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể:
- Tỷ lệ vốn điều lệ;
- Hình thức đầu tư;
- Phạm vi hoạt động đầu tư;
- Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện đầu tư;
- Các điều kiện khác theo quy định pháp luật, nghị quyết Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
Tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đầu tư
Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 thì tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Như vậy, theo quy định của Luật 2020 thì tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế thực hiện đầu tư đã thay đổi thành trên 50%, không như Luật Đầu tư 2014 là từ 51% trở lên.
Quy định, điều kiện về việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế
Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau:
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020;
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu tư 2020;
- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Trên đây là một số điểm mới của Luật Đầu tư năm 2020 do Công ty luật Việt An tổng hợp. Công ty luật Việt An là một hãng luật chuyên nghiệp tư vấn về đầu tư trong nước, nước ngoài vào Việt Nam và Việt Nam ra nước ngoài. Do đó, Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn nào liên quan đến pháp luật Đầu tư xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất!
The post Điểm mới Luật Đầu tư năm 2020 appeared first on Luật Việt An.
from Luật Việt An
via ketoanfbs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét